Bạn đã bao giờ nằm mơ mình bị rượt đuổi, ngã từ trên cao, hay gặp thiên tai, thảm họa? Một nhà nghiên cứu về giấc mơ, trong bài viết này, sẽ giúp bạn hiểu hơn phần nào về những loại ác mộng phổ biến mà bạn có thể từng trải qua.
Khi còn nhỏ, tôi đã có những cơn ác mộng lặp đi lặp lại mà tới giờ, chúng vẫn hiện lên sống động trong tâm trí tôi, cứ như tôi vừa nằm mơ vào tối qua vậy. Trong giấc mơ đó, tôi đang chơi trong khu vườn của mẹ thì đột nhiên, một người đàn ông lạ mặt tiến tới, mở ra khung cảnh rượt bắt kinh hoàng trong mơ. Không tài nào chạy thoát khỏi người đàn ông đó, đôi đã bị bắt, và bị ném thẳng vào trong một cái bị khổng lồ như túi già Giáng sinh của ông già Noel. Khi đó, tôi vẫn tiếp tục mơ, và cho tới khi thức dậy, tôi thấy mình đang ở một mình trong cái bị khổng lồ, giữa không gian tràn ngập bóng tối. Tôi trở nên hoảng loạn và không biết liệu tôi có thể trốn thoát và bảo toàn tính mạng.
Giấc mơ thấy mình bị rượt đuổi là một trong những loại ác mộng phổ biến nhất trong thời thơ ấu, theo Tiến sỹ Deirdre Barrett, một nhà nghiên cứu giấc mơ tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ), đồng thời là tác giả của cuốn sách “Uỷ Ban Giấc Ngủ: Cách Các Nghệ Sỹ, Nhà Khoa Học Sử Dụng Giấc Mơ Để Giải Quyết Vấn Đề” (Tên gốc: The Committee of Sleep: How Artists, Scientists, and Athletes Use Dreams for Creative Problem-solving– and how You Can, Too). Thông thường, con người có xu hướng gặp ác mộng ít hơn khi trưởng thành, dù một số người vẫn có thể nhớ về những gì họ đã mơ – bao gồm cả những cơn ác mộng – thường xuyên hơn người khác, theo TS. Barrett.
Chúng ta có thể thường xuyên gặp các giấc mơ trong giai đoạn ngủ REM (rapid-eye movement – giai đoạn ngủ mắt chuyển động nhanh), chúng ta chỉ có thể nhớ về chúng khi ta thức dậy giữa giai đoạn này. Đó là lý do một số người rơi vào tình trạng mất ngủ có thể gặp ác mộng thường xuyên hơn, bởi họ có thể đã thức giấc trong giai đoạn ngủ REM nhiều hơn người khác.
Có hai dạng ác mộng mà ta có thể phân loại: Một là những giấc mơ cho ta cảm giác kinh hãi hoặc căng thẳng tiêu cực, và hai là những giấc mơ tương tự như những khoảnh khắc tái hiện ký ức (flashback) mà người mắc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) trải qua – những giấc mơ đưa chúng ta trở về một thời điểm cụ thể nào đó trong quá khứ. Trong khi một số người đã báo cáo rằng họ đã tận hưởng kiểu ác mộng thứ nhất – giống như việc đi xem một bộ phim kinh dị nhằm tăng chút adrenaline – kiểu ác mộng thứ hai lại có phần đáng sợ hơn, theo TS. Barrett. Những cơn ác mộng sau sang chấn (post-traumatic nightmare) có thể xuất hiện trong mọi giai đoạn của giấc ngủ, không chỉ trong giai đoạn ngủ REM, và điều này khiến chúng trở nên khác biệt so với những cơn ác mộng thông thường, cho thấy chúng có những đặc điểm tương đồng với những flashback xuất hiện khi ta thức, cô bổ sung thêm.
Đôi khi, những cơn ác mộng xuất hiện như một hệ quả từ các sự kiện khi ta thức như xem một bộ phim kinh dị hay có một ngày làm việc đầy âu lo, nhưng điều đó vẫn không giải thích hoàn toàn được lý do vì sao chúng ta gặp ác mộng. Sigmund Freud đưa ra quan điểm nổi tiếng rằng giấc mơ biểu hiện cho những khát vọng trong vô thức của mỗi người, dù giả thuyết của ông đã bị bác bỏ, và một số người đã đề xuất rằng giấc mơ có thể là một cách để ta xử lý các dữ liệu về các biến cố trong một ngày, hoặc diễn tập phòng ngừa cho những viễn cảnh nguy hiểm trong tương lai.
Cho dù TS. Barrett hạn chế việc gán những ý nghĩa phổ quát cho những giấc mơ và khuyến khích mọi người tự diễn giải giấc mơ của chính mình, chúng tôi đã phỏng vấn cô để giúp độc giả hiểu hơn về ý nghĩa đằng sau 5 loại ác mộng phổ biến nhất.

Mơ Về Cái Chết Của Chính Mình, Hoặc Của Một Người Thân Yêu
Trong một khảo sát được công bố vào năm 2018 trên Journal of Clinical Sleep Medicine, cái chết của một người thân yêu là loại ác mộng phổ biến nhất được ghi nhận. Đặc biệt khi khảo sát được thực hiện trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra – một thảm hoạ toàn cầu đã khiến rất nhiều người mất đi người thân xung quanh hơn bao giờ hết.
Trong thời gian đại dịch vẫn đang hoành hành, TS. Barrett đã khảo sát hơn 9.000 người để hiểu hơn về cách giấc mơ bị tác động bởi đại dịch COVID-19. Cô đã phát hiện ra rằng mọi người đã báo cáo số lượng ác mộng về cái chết của một người thân trong thời gian đại dịch cao gấp 3 lần so với nhóm người được khảo sát trước thời gian xảy ra đại dịch. Một báo cáo khác được công bố trên trang Frontiers of Psychology cũng cho thấy ác mộng về cái chết là loại ác mộng phổ biến thứ 2 được ghi nhận trong đại dịch – không tính những giấc mơ về chính căn bệnh COVID-19.
Một phát hiện thú vị mà TS. Barrett đã nhận thấy, đó là những người có con nhỏ hoặc người chăm sóc thường mơ về cái chết của người khác, trong khi những người không có trách nhiệm phải chăm sóc cho người khác thường mơ về cái chết của chính họ. Trong khi một số người có những giấc mơ đáng sợ về cái chết, như việc họ mơ thấy người chết được ướp xác trong nghĩa trang, một số người khác mơ về cái chết nhưng không quá rùng rợn, như họ mơ rằng mình đã có một buổi dã ngoại với người chết. Dù sao chăng nữa, những giấc mơ về cái chết có thể là biểu tượng cho sự kết thúc, hoặc một chuyển biến lớn trong cuộc đời của người mơ. Giống như đại dịch đã xuất hiện và đem tới sự thay đổi lớn tới cuộc sống của hàng triệu người.
Điều thú vị là Barrett nhận thấy rằng cha mẹ của trẻ nhỏ hoặc người chăm sóc thường mơ thấy người khác chết, trong khi những người không có trách nhiệm chăm sóc thường mơ thấy mình chết. Trong khi một số giấc mơ về cái chết đẫm máu, chẳng hạn như người mơ thấy người chết được ướp xác trong nghĩa trang, thì những giấc mơ khác liên quan đến cái chết nhưng không đặc biệt khủng khiếp, chẳng hạn như người mơ đi dã ngoại với người chết. Dù sao đi nữa, giấc mơ về cái chết có thể là biểu tượng của một chương kết thúc hoặc sự chuyển đổi quan trọng trong cuộc đời của người mơ. Suy cho cùng, đại dịch đã gây ra những chuyển biến lớn trong cuộc sống của nhiều người.
“Hãy tự hỏi: Việc chứng kiến cái chết của một ai đó có gì khác biệt so với việc biết rằng bạn sẽ chết?” TS. Barrett chia sẻ trong buổi phỏng vấn. “Hãy tự hỏi tại sao bạn lại mơ về một điều gì đó xảy ra với một ai đó, và liệu bạn sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm với những gì xảy ra trong giấc mơ, hay bạn có xu hướng lảng tránh chúng.”

Mơ Thấy Bản Thân Bị Ngã, Giấc Mơ Đem Đến Cảm Giác Nhục Nhã, Xấu Hổ
Trong một khảo sát được thực hiện vào năm 2018, loại ác mộng phổ biến thứ hai được mọi người báo cáo là giấc mơ bị trễ deadlines, cảm thấy bất lực, hoặc bị rơi ngã. Kiểu giấc mơ này không đem đến cảm giác kinh hoàng như một số ác mộng có yếu tố đe dọa tới tính mạng của bạn. Nhưng thay vì kích động những nỗi sợ nguyên thuỷ như các kiểu ác mộng khác, những giấc mơ này – được TS. Barrett gọi là “giấc mơ xấu hổ”, bao gồm cả những giấc mơ ta thấy mình bị rụng hết răng hoặc trần truồng ở nơi công cộng – được phát triển từ những nỗi lo âu nhiều hơn.
Một nghiên cứu được trích dẫn rộng rãi trong tạp chí Sleep cho thấy những người có nhiều âu lo trong cuộc sống hàng ngày sẽ gặp nhiều ác mộng hơn. Những người mắc chứng lo âu xã hội có xu hướng gặp những giấc mơ mà, ví dụ, họ có thể trần truồng ở nơi công cộng; trong khi những người hay lo lắng về việc bị đánh giá bởi người có thẩm quyền cao hơn có thể có những giấc mơ bị trượt trong một kỳ thi, quên mất một việc gì đó, đi làm/đi học muộn giờ, TS. Barrett chia sẻ. “Bị đánh giá,” và “trần truồng và sợ hãi”, ví dụ, là hai ẩn dụ kích động sự lo âu mà chúng ta có thể nhắc tới hàng ngày, và chúng có thể xuất hiện trong các cơn ác mộng.
“Trong phạm vi của một số giấc mơ có những nội dung có một ý nghĩa biểu tượng tiêu chuẩn trong một nền văn hoá, giấc mơ có khả năng đang thể hiện đúng ý nghĩa biểu tượng đó,” cô nói. “Mặc dù vậy, giấc mơ có thể đại diện cho thứ gì đó kỳ quặc hơn khi đối chiếu với hệ thống biểu tượng cá nhân của người đó.”

Mơ Về Thiên Tai, Thảm Họa
Sau những thảm hoạ như cháy rừng hoặc bão, những cơn ác mộng về các hiện tượng thiên tại có thể gia tăng ở những người bị ảnh hưởng, hoặc thậm chí những người không bị tác động nhưng đã tiếp nhận một lượng lớn thông tin về chúng. Ví dụ, sau trận động đất lớn năm 1989 ở San Francisco, một nghiên cứu được công bố trên Journal of Abnormal Psychology cho thấy 40% người tham gia khảo sát đã gặp ác mộng về động đất khoảng 03 tuần sau sự kiện kinh hoàng, so sánh với 5% người nằm trong nhóm kiểm soát.
Mặc dù rất khó để xác định việc biến đổi khí hậu là một yếu tố ảnh hưởng đến giấc mơ khi thế giới đang dần nóng lên trong nhiều thập kỷ vừa rồi, cũng như việc bùng nổ dân số và rất nhiều yếu tố khác, TS. Barrett chia sẻ rằng cô đã lắng nghe một số người nhớ lại những giấc mơ thể hiện mối liên hệ mật thiết với những lo âu của họ về biến đổi khí hậu. Nói cách khác, sự âu lo về biến đổi khí hậu (climate anxiety) có thể “xâm lấn” vào không gian trong những giấc mơ.
“Có một giả thiết đã được chứng minh cho rằng tất cả mọi thứ mà chúng ta mơ đều phản ánh chính xác thứ chúng ta đang quan tâm hàng ngày,” TS. Barrett nói. “Điều này giúp ta có thể dự đoán rằng số lượng người có những giấc mơ về biến đổi khí hậu sẽ nhiều hơn hẳn so với nhiều thập kỷ trước.”

Mơ Thấy Bản Thân Rơi Tự Do – Rồi Giật Mình Tỉnh Giấc
Một số cơn ác mộng đã kết thúc bằng việc người mơ sẽ choàng tỉnh dậy sau khi người đó mơ thấy bản thân đang rơi tự do từ một vách đá hay ở một độ cao tương đối chết chóc. Điều thú vị là, phần lớn những người choàng tỉnh dậy khi có cảm giác “ngã” mà không có yếu tố trực quan nào về cơn ác mộng, theo TS. Barrett. Mặc dù chúng ta chưa biết rõ nguyên nhân gây ra cảm giác này, đây vẫn là một loại ác mộng phổ biến, và đã có rất nhiều giả thiết xoay quanh việc tìm ra nguyên nhân gây ra kiểu ác mộng này, từ nguyên nhân xa xôi từ những người tổ tiên sống ở trên cây đã luôn cần cảm giác này để đảm bảo rằng họ không ngã, cho tới một quá trình sinh lý được biết đến với cái tên “a hypnic jerk” (Tạm dịch: giật cơ lúc ngủ).
Thông thường, khi cơ thể chúng ta rơi vào trạng thái ngủ, vùng đồi thị (thalamus), cơ quan quyết định trạng thái ý thức của chúng ta, bị ức chế. Do đó, khi cơ thể chúng ta ngủ, các tín hiệu được gửi từ bộ phận tiền đình ở trong tai có thể đã bị não bộ diễn dịch sai, và trở thành cảm giác “rơi” đã khiến cho vùng đồi thị phải “thức giấc”, khiến cho chúng ta tạm mất cảm giác về không gian. Điều này có thể xảy ra vào bất kỳ đêm nào khi bạn đang rơi vào trạng thái ngủ và tạm thời mất ý thức, và bạn có thể cảm nhận được khi các tín hiệu bị xáo trộn lung tung beng trong não, tới mức bạn có thể cảm nhận được khi đang nửa tỉnh nửa mơ, và sau đó choàng tỉnh dậy vì chúng, TS. Barrett nói.
“Đôi khi, nếu hiện tượng này xuất hiện ngay trước khi ý thức của chúng ta suy giảm khi dần chìm vào giấc ngủ, chúng ta có thể có cảm giác cơ thể đang di chuyển điên cuồng theo một cách ngẫu nhiên, và được não bộ diễn giải là ta đang rơi xuống,” TS. Barrett nói. “Nếu có điều gì khiến bạn lo lắng cực độ trong khi ngủ, chúng có thể là tín hiệu sẽ đánh thức bạn dậy.”

Mơ Bị Rượt Đuổi
Mặc dù giấc mơ bị rượt đuổi sẽ xuất hiện thưa dần khi ta lớn lên, rất nhiều người trưởng thành vẫn gặp rắc rối với loại ác mộng phổ biến này. Trẻ nhỏ thường báo cáo về những giấc mơ bị rượt đuổi bởi những nhân vật xấu xa, quái vật hay một con vật nào đó trong những cơn ác mộng, và điều đó có thể thể hiện khả năng thích nghi trong quá trình tiến hoá, TS. Barrett nói. Khi con người sống trong khu vực hoang dã, những giấc mơ này có thể đem lại lợi ích sống còn, giúp trẻ “diễn tập” khả năng chạy trốn khỏi kẻ săn mồi khi ngủ.
Tuy nhiên, rất nhiều người lớn thường xuyên ghi nhận những giấc mơ mà họ bị người khác đuổi theo, thay vì là con thú hay con quái vật, và những người đó có thể mang ý nghĩa ẩn dụ, TS. Barrett nói.
“Có một chương trong cuốn sách của tôi, ‘Sang chấn và Giấc mơ‘, nói về việc những nhóm người di cư từ các quốc gia Nam Mỹ nơi đang xảy ra nội chiến, đã bị truy lùng nếu không phải người của chính quyền thì cũng là quân du kích – những người có khả năng cố gắng hãm hại họ, và đôi khi, họ đã thực sự bị rượt đuổi,” TS. Barrett nói.
Một nghiên cứu trong tạp chí Dreaming cho thấy 80% giấc mơ của chúng ta bao gồm những tình huống xảy ra hàng ngày, không phải những cuộc rượt bắt kỳ ảo hay những cơn ác mộng đáng sợ như ngày Tận thế. Tuy nhiên, chính những cơn ác mộng đáng sợ lại có khả năng gây ra những nỗi ám ảnh hàng giờ, hàng ngày, thậm chí hàng năm cho người mơ. Lý thuyết về mô hình kích hoạt – tổng hợp giấc mơ cho ta thấy giấc mơ là con đường giúp chúng ta xử lý các hoạt động ngẫu nhiên trong hệ thống thần kinh trong giai đoạn ngủ REM. Do đó, giấc mơ thể hiện hình ảnh trực quan về những cảm xúc mà ta đang có. Và nhìn chung, cá nhân mỗi người cần tự dung hoà để nhận biết việc diễn giải hình ảnh đó có ý nghĩa ra sao với họ.
“Đôi khi, những giấc mơ thể hiện một điều gì đó mà ta không nhận ra ban ngày, hoặc những gì ta đã kìm nén khi tỉnh,” TS. Barrett nói. “Thế giới vô thức của chúng ta không chỉ báo hiệu cho ta về những thứ đó, cho chúng ta thấy một khía cạnh của chúng, mà còn cố gắng nói cho chúng ta biết việc vì sao sự kiện xảy ra ngày hôm trước có những tác động được cộng dồn với điều gì đó vô cùng tệ hại đã xảy ra trong quá khứ.”
Bài viết được dịch từ nguồn: Elizabeth Hlavinka, 5 common nightmares and what they could mean for your mental health, according to a dream expert. Salon.
Về House of Hypnosis
House of Hypnosis Vietnam là dự án chia sẻ kiến thức khoa học về Thôi miên Trị liệu (Hypnotherapy) và Sức khoẻ Tâm thần cho người Việt.