,

Ai “Chống Lưng” Cho Thôi Miên & Thôi Miên Trị Liệu?

nen-tang-khoa-hoc-cua-thoi-mien-tri-lieu

Kỹ thuật thôi miên & thôi miên trị liệu (hypnosis & hypnotherapy) được biết đến rộng rãi với thực hành của Sigmund Freud – cha đẻ của nhánh Phân tâm học. Kể từ đó cho tới nay, rất nhiều trường phái và kỹ thuật thôi miên ngày càng được phổ biến và phát triển rộng rãi, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tâm lý trị liệu mà còn trong các thực hành tâm linh, biểu diễn giải trí, y khoa,…

Là một kỹ thuật khó cùng những ấn tượng “huyền bí” về các trạng thái ý thức biến đổi (trạng thái thôi miên, trạng thái trance), thôi miên đã nhận về nhiều ánh mắt dò xét và nghi ngờ của công chúng. Cho tới nay, nhiều người cho rằng thôi miên chỉ là những thủ thuật “lừa đảo”, không hề tồn tại trạng thái ý thức biến đổi, hoặc là những trải nghiệm phi thường và nguy hiểm khi được thôi miên. Hoặc nói ngắn gọn, thôi miên là một cách tiếp cận không chính thống, phi khoa học, liệt kê chung với nhiều phương pháp không chính thống, mê tín dị đoan,…

Tuy nhiên, trên thực tế, thôi miên và thôi miên trị liệu là đề tài nghiên cứu của rất nhiều nhà khoa học, với hiệu quả trong can thiệp các vấn đề tâm lý đã liên tục được thảo luận, kiểm nghiệm, đánh giá và so sánh với các liệu pháp khác.

Bạn muốn biết thêm về “uy tín” của thôi miên trị liệu? Ta cùng nhìn vào 3 đặc điểm giúp thôi miên & thôi miên trị liệu xoá bỏ các định kiến sai lệch và nhận được cái nhìn tích cực hơn từ công chúng.

1) Sự công nhận của các tổ chức hàng đầu

Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) là tổ chức khoa học tiên phong, đại diện cho ngành Tâm lý học tại Hoa Kỳ. Với tổng số thành viên lên tới 146,000, bao gồm các nghiên cứu sinh, nhà giáo dục, chuyên gia trị liệu, nhà tư vấn, và sinh viên.

Hiệp hội bao gồm 54 chi nhánh (Division), tập trung nghiên cứu vào các ngách con trong lĩnh vực tâm lý học, như là tiểu ban về Tâm lý học Giáo dục (Division 15), tiểu ban về Tâm lý học Lâm sàng (Division 12), tiểu ban về Tâm lý học cho Phụ nữ (Division 35),… Trong đó, tiểu ban về Thôi miên Tâm lý (Division 30: Society of Psychological Hypnosis) được thành lập, với hoạt động trao đổi thông tin khoa học, thúc đẩy việc giảng dạy và nghiên cứu thích hợp, đồng thời phát triển các tiêu chuẩn cao cho việc thực hành thôi miên.

Division 30 cũng là đơn vị tài trợ và tổ chức trao giải thưởng E. R. Hilgard – được lấy tên từ một nhà tâm lý học người Mỹ, được biết đến với những công trình nghiên cứu về thôi miên, đặc biệt tập trung vào tính ứng dụng của thôi miên trong điều trị giảm đau. Bạn có thể tìm hiểu về những nhân vật được trao giải để biết thêm về hoạt động nghiên cứu, thực hành thôi miên trị liệu tâm lý hiện nay.

Bạn có thể tìm hiểu về APA và Division 30 qua các kênh sau:

Tại Anh, có 03 cơ quan chuyên môn chính thức về thôi miên trị liệu, bao gồm Bộ phận Thôi miên và Tâm lý học của Hiệp hội Y khoa Hoàng gia, Hiệp hội Thôi miên Y tế & Nha khoa Anh (BSMDH – Scotland) dành cho các bác sĩ và nha sĩ và Hiệp hội Thôi miên Lâm sàng & Học thuật Anh (BSCAH), bao gồm toàn bộ các chuyên gia y tế có trình độ [hầu hết làm việc trong Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS)]. Hiệp hội Thôi miên Học thuật & Lâm sàng Anh (www.bscah.com) tổ chức từ các khóa đào tạo trang bị cho học viên cách thực hành kỹ thuật thôi miên trong lĩnh vực chuyên môn, cho đến Bằng tốt nghiệp Đại học được công nhận hoàn toàn với Đại học Thành phố Birmingham.

BSMDH (Scotland) và BSCAH cũng là thành viên cấu thành của Hiệp hội Thôi miên Châu Âu và Quốc tế. Hiệp hội thôi miên châu Âu (www.esh-hypnosis.eu) bao gồm 41 Hiệp hội thành lập tại 20 quốc gia trên khắp châu Âu, với hơn 14,800 thành viên từ các lĩnh vực Y học, Nha khoa, Tâm lý học và các ngành nghề liên quan đến chăm sóc sức khỏe. Hiệp hội thôi miên quốc tế (ISH; www.ishhypnosis.org) là trụ sở thế giới dành cho các nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng quan tâm đến thôi miên. ISH đóng vai trò là cái ô và nơi gặp gỡ của các thành viên và 33 Hiệp hội lập hiến (vẫn đang phát triển) từ khắp nơi trên thế giới. (1)

2) Nghiên cứu khoa học

Một trong những cách đơn giản và nhanh chóng để kiểm tra tính “khoa học” của một liệu pháp, đó là tìm kiếm các bài báo khoa học trên các tạp chí, website lưu trữ các tài liệu nghiên cứu khoa học.

Bạn có thể tìm kiếm các nghiên cứu khoa học về thôi miên và thôi miên trị liệu qua các từ khoá như “hypnosis” hay “hypnotherapy” trên Google Scholar. Số lượng bài báo nghiên cứu, thời gian công bố của các bài báo liên quan tới liệu pháp sẽ giúp bạn thấy được mức độ quan tâm, tính ứng dụng, phương pháp nghiên cứu mà nhiều nhà khoa học đã tiến hành để kiểm chứng về hiệu quả, tác dụng và liệu pháp thôi miên.

Hiện tại, chuyên mục Hypnosis Research của House of Hypnosis Vietnam vẫn liên tục cập nhật và lưu trữ các nghiên cứu mới nhất liên quan tới thôi miên trị liệu, được công bố trong vòng 05-10 năm trở lại đây, giúp cho các độc giả quan tâm có thể biết thêm được hoạt động nghiên cứu liên quan tới thôi miên trị liệu trên thế giới.

Có một số tạp chí, bản tin khoa học chuyên về thôi miên & thôi miên trị liệu bạn có thể theo dõi như:

  • Các sản phẩm từ Division 30: Bản tin Psychological Hypnosis, được xuất bản 03 kỳ/năm, tạp chí International Journal of Clinical and Experimental Hypnosis (IJCEH) – đã hoạt động trên 50 năm, Psychology of Consciousness: Theory, Research, and Practice. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm tại đây: https://www.apadivisions.org/division-30/publications.
  • Tạp chí American Journal of Clinical Hypnosis của American Society of Clinical Hypnosis (ASCH) – tổ chức được thành lập bởi Milton H. Erickson từ năm 1957.

3) Từ các trang tin tức, truyền thông

Tại đây, House of Hypnosis xin trích dẫn một số bài viết từ các trang tin tức và các website từ các tổ chức lớn trên thế giới tập trung vào lĩnh vực bên ngoài tâm lý học. Tại đây, các bạn có thể thấy được thêm các nguồn tham khảo đáng tin cậy, hoặc các chia sẻ từ các chuyên gia với công chúng.

“…Thôi miên có một nền tảng khoa học vô cùng vững chắc. Nghiên cứu lâm sàng chỉ ra thôi miên có thể giúp giảm đau và các triệu chứng lo âu, đồng thời hỗ trợ cai thuốc lá, giảm cân và ngủ ngon. Thôi miên có thể giúp trẻ em và thanh thiếu niên điều chỉnh cảm xúc và hành vi. Một số người thậm chí có thể sử dụng “tự thôi miên” (self-hypnosis) để kiểm soát căng thẳng, đương đầu với những thách thức trong cuộc sống và cải thiện sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của họ.” – Times (https://time.com/6171844/how-hypnosis-works/)

Thôi miên là một quá trình trị liệu tâm lý chân chính. Thôi miên thường gặp nhiều hiểu lầm và không được thực hành rộng rãi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu y học vẫn tiếp tục làm rõ cách thức và thời điểm thôi miên có thể được sử dụng như một công cụ trị liệu.” – Healthline (https://www.healthline.com/health/is-hypnosis-real#what-is-it-used-for?)

Các trạng thái thôi miên đã được sử dụng để chữa bệnh kể từ khi loài người tồn tại, nhưng vì thôi miên có thể bị lạm dụng cho các hoạt động giải trí và đã được miêu tả trên các phương tiện truyền thông như một điều gì đó bí ẩn và ma thuật, được cho là nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ thể thôi miên, nên nó đã luôn bị nghi ngờ, và nhận về sự hoài nghi của nhiều chuyên gia y tế. Tuy nhiên, những tiến bộ gần đây trong khoa học thần kinh đã cho phép chúng ta bắt đầu hiểu điều gì có thể xảy ra khi ai đó bước vào trạng thái thôi miên, và bằng chứng đang được xây dựng cho việc sử dụng thôi miên như một công cụ hữu ích để giúp bệnh nhân và chuyên gia y tế quản lý nhiều loại điều kiện, đặc biệt là lo lắng và đau đớn.” – What is hypnosis and how might it work?, đăng tải trên National Library of Medicine (NLM) – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6357291/

Mặc dù được thực hành từ những năm 1700s, liệu pháp thôi miên vẫn luôn gây ra sự hoài nghi trong cộng đồng y tế. Tuy nhiên, thôi miên đang trở thành một hình thức trị liệu được chấp nhận và công nhận hơn. Số lượng các chuyên gia y tế được chứng nhận và cấp phép kết hợp liệu pháp thôi miên trong thực hành của họ đang gia tăng.

Bằng chứng khoa học ủng hộ lợi ích của liệu pháp thôi miên còn hạn chế, nhưng đang ngày càng gia tăng. Một số nghiên cứu cho thấy kết quả “đầy hứa hẹn” hoặc kết luận “có thể hữu ích”. Bằng chứng mạnh mẽ nhất ủng hộ việc sử dụng các phương pháp điều trị bằng thôi miên đến từ nghiên cứu về thôi miên để điều trị các triệu chứng đau, IBS và PTSD. Hầu hết các hiệp hội và tổ chức y tế đều tuyên bố rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận có ý nghĩa về hiệu quả của liệu pháp thôi miên.” – Cleveland Clinic (https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/22676-hypnosis)

(1) Ann Williamson, What is hypnosis and how might it work? NLM. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6357291/

Về House of Hypnosis

House of Hypnosis Vietnam là dự án chia sẻ kiến thức khoa học về Thôi miên Trị liệu (Hypnotherapy) và Sức khoẻ Tâm thần cho người Việt.