Tìm hiểu về Ernest Hilgard, cố Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), nhà khoa học tiên phong trong việc nghiên cứu về thôi miên giảm đau (hypnotic analgesia).
Ernest Hilgard là ai?
Ernest Ropiequet Hilgard, hay khi sinh thời vẫn được bạn bè, đồng nghiệp gọi với cái tên trìu mến “Jack”, sinh ngày 25 tháng 07 năm 1904 & mất ngày 22 tháng 10 năm 2001, là một nhà tâm lý học người Mỹ, giáo sư tại Đại học Stanford. Ông được biết đến với cương vị Cố Chủ tịch của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), và là một nhân vật tiên phong trong nghiên cứu về thôi miên trị liệu lúc bấy giờ. Những hoạt động sôi nổi và tích cực trong ngành đã giúp ông tạo dựng mối quan hệ với những nhân vật chủ chốt đã định hình khoa học và thực hành tâm lý học tại Hoa Kỳ vào thế kỷ XX.
Tác phẩm “Introduction to Psychology” (Tạm dịch: Tâm lý học đại cương) của Hilgard và nhiều tác giả khác, trải qua nhiều phiên bản và, trong một thời gian dài, là giáo trình nhập môn tâm lý học được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Được xuất bản lần đầu vào năm 1953, hiện nay tác phẩm đã được phát hành ở phiên bản (edition) thứ 16.

Theo thời gian, khi mối quan tâm của ông thay đổi, ông đã xuất bản một số tác phẩm quan trọng khác, bao gồm “Hypnotic Susceptibility” (Tạm dịch: Khả năng tiếp nhận thôi miên, 1965) và “Divided Consciousness” (Tạm dịch: Ý thức bị chia rẽ, 1977). Cả hai tác phẩm đưa ra những nghiên cứu đột phá của Hilgard về thôi miên, từ đó phát triển thang đo mức độ tiếp nhận thôi miên Stanford Hypnotic Susceptibility Scale (SHSS), giúp đánh giá xem một cá nhân có khả năng tiếp nhận lời dẫn thôi miên nhanh chóng/dễ dàng đến đâu.
Từ Cố Chủ Tịch Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ (APA)
Jack Hilgard có những cống hiến tận tuỵ cho các tổ chức trong lĩnh vực tâm lý học tại Mỹ. Ông là một nhân vật quan trọng đã có công tái cấu trúc APA trong giai đoạn Thế chiến II. Ông đã khái niệm hoá cách tạo lập các nhóm/phân ban (division) với những mối quan tâm đặc biệt (trong lĩnh vực tâm lý học), với mục đích kết nối các nhà tâm lý học về chung một tổ chức là APA. Cùng với đó, những ứng dụng và thực hành tâm lý với nhiều vấn đề khác nhau trong xã hội lúc bấy giờ đã giúp giới chuyên gia, nhà nghiên cứu tâm lý học được công nhận là một công việc có giá trị, định hình nền tảng cho sự phát triển rực rỡ của tâm lý học như một lĩnh vực khoa học và một nghề nghiệp chính thống. Khả năng lãnh đạo, tư duy sắc bén cùng phong cách giao tiếp gần gũi đã giúp Jack được bổ nhiệm làm Chủ tịch APA vào năm 1949. Hiểu biết phong phú của Jack Hilgard về tâm lý học Hoa Kỳ, tình bạn và mối quen biết với hầu hết các nhà lãnh đạo trong giới tâm lý học thế kỷ XX đã được tổng hợp trong cuốn sách “Psychology in America” (1987) của ông. Có thể nói rằng đây là tác phẩm xuất sắc nhất khi viết về lịch sử ngành tâm lý học tại Hoa Kỳ thế kỷ XX.
Cho Tới Nhà Khoa Học Tiên Phong Về Thôi Miên Giảm Đau (Hypnotic Analgesia)
Về những đóng góp của Ernest Hilgard và thôi miên, House of Hypnosis Vietnam xin được dịch lại một đoạn trích trong tiểu sử của ông được viết trong Hồi ký về Ernest Ropiequet Hilgard bởi Gordon H. Bower, thuộc sở hữu của National Academy of Sciences (Hoa Kỳ):
“Sau khi giảm bớt các hoạt động nghiên cứu trong thời gian ông làm việc dưới vị trí graduate dean và có những kỳ nghỉ phép sabbatical ở nước ngoài, Jack đã phải thực hiện một số điều chỉnh quan trọng khi quay trở lại công việc. Ông đã quyết định thay đổi hoàn toàn định hướng và bắt đầu nghiên cứu về thôi miên – một chủ đề được đánh giá là đầy thử thách nhưng cũng đầy hấp dẫn đối với ông. Ông đã thuyết phục Quỹ Ford tài trợ chi phí, giúp ông thành lập phòng thí nghiệm tại Stanford, tập trung nghiên cứu về thôi miên. Chính từ phòng thí nghiệm này, Hilgard đã đưa ra những đóng góp nghiên cứu khoa học quan trọng về thôi miên trong 25 năm tiếp sau đó.
Trước thời điểm đó, có rất ít các nghiên cứu mang tính hệ thống về thôi miên. Đây được coi là một chủ đề bí ẩn và không đáng tin cậy, là những trò tiêu khiển của các ảo thuật gia, những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp, hay các ông thầy lang băm, hơn là của những nhà khoa học. Dù vậy, Hilgard vẫn đắm chìm vào các hiện tượng và hiện tượng học (phenomena and phenomenology) của thôi miên trước khi bắt tay vào thực hiện các nghiên cứu có hệ thống (systematic investigation). Ông nhận ra rằng mỗi cá nhân đều có sự khác biệt trong khả năng tiếp nhận/dẫn vào trạng thái thôi miên (hypnotic abilities); và ông suy đoán rằng các thí nghiệm kiểm tra (controlled experiment) sẽ đưa ra các kết quả khác nhau dựa trên khả năng của các chủ thể (subject). Hiểu rằng khả năng lặp lại (replication) là nền tảng của khoa học, ông cho rằng các kết quả từ các thí nghiệm khác nhau và các phòng thí nghiệm khác nhau sẽ không thể nào đem ra so sánh, trừ khi khả năng tiếp nhận thôi miên của các chủ thể được lựa chọn có khả năng so sánh. Do đó, để giảm thiểu các kết quả mâu thuẫn trong các báo cáo, bước đầu tiên mà ông thực hiên, cùng với đồng nghiệp Andre Weitzenhoffer, đó là việc xây dựng một thang đo mức độ tiếp nhận thôi miên của các chủ thể. Các nghiên cứu về sau của họ, được công bố trong tác phẩm “Susceptibility to Hypnosis” (1965), đã đem đến cho cộng đồng nghiên cứu khoa học một vài thang đo giúp đo lường khả năng tiếp nhận thôi miên một cách hiệu quả, ổn định và đáng tin cậy. Thang đo khả năng tiếp nhận thôi miên Stanford (SHSS, 1978) đã trở thành một thang đo tiêu chuẩn trong ngành, luôn được sử dụng để quyết định khả năng so sánh giữa các khách thể nghiên cứu trong các thí nghiệm và phòng lab khác nhau.
Nhóm nghiên cứu của Hilgard cũng nghiên cứu sâu về các hiện tượng trong thôi miên, bao gồm hiện tượng giảm đau trong thôi miên (suggested analgesia, hypnotic analgesia). Họ đã phát hiện ra rằng (a) Hiện tượng thôi miên giảm đau có mối tương quan mạnh mẽ với khả năng tiếp nhận thôi miên, (b) Các bệnh nhân không hoàn toàn thoát khỏi các cơn đau, nhưng có sự thuyên giảm rõ rệt về cường độ của các cơn đau. và (c) Việc giảm đau được cấu tạo bởi hai phần, từ việc (1) giảm nỗi lo âu của bệnh nhân và giúp họ thư giãn, và (2) dựa trên chiến lược đối phó (cognitive strategies) riêng của từng bệnh nhân trong việc đương đầu với các kích thích gây đau đớn. Các chiến lược đối phó bao gồm tái hiện lại các kích thích gây đau đớn, phân ly các kích thích ra khỏi cơ thể bệnh nhân, hoặc gây xao nhãng bằng những hình dung dễ chịu. Khả năng giảm đau từ hiện tượng này có thể được thực hành trong các ca lâm sàng. Kết quả từ các nghiên cứu này đã được Jack công bố cùng vợ ông, Josey, trong tác phẩm “Hypnosis in the Relief of Pain” (1975; tái bản 1994). Trong thực hành lâm sàng, Josey thường sử dụng thôi miên để giúp bệnh nhân tại bệnh viện Stanford đối phó với cơn đau từ ung thư và phẫu thuật.

Các nghiên cứu về thôi miên của Hilgard đã dẫn tới sự phát triển các học thuyết chủ đạo của ông, được trình bày chi tiết trong tác phẩm “Divided Consciousness” (1977) và các bài báo về sau (1992, 1994). Ông đề xuất một hệ thống phân cấp các module tâm lý nằm dưới sự giám sát trung tâm và chức năng điều hành, giống như hệ thống đã được biết đến rộng rãi trong tâm lý học nhận thức. Một số module tâm lý được cho là có thể truy cập và kích hoạt bởi các lời dẫn thôi miên (hypnotic suggestion), loại bỏ các mục đích có ý thức từ cơ quan điều hành trung tâm. Từ đó, các chủ thể trong thí nghiệm có thể cảm thấy các hành động trong trạng thái thôi miên (hypnotic actions) của họ đều là không tự nguyện, hoặc không dựa trên ý chí của họ. Trọng tâm trong lý thuyết của Hilgard là hiện tượng mà ông gọi là “người quan sát ẩn”. Ví dụ, một chủ thể được đưa vào trạng thái thôi miên để giảm đau, khi nhận được các tín hiệu từ “người quan sát ẩn”, có thể báo cáo về tình trạng đau đớn mà bản thân đang gặp phải, trong khi đó, một chủ thể khác đang trong trạng thái thôi miên (và không nhận được tín hiệu) báo cáo rằng bản thân không cảm nhận được bất kỳ sự đau đớn nào.
Tác phẩm “Divided Consciousness” đã trở thành một tư liệu tham khảo quan trọng cho mọi sinh viên quan tâm tới các nghiên cứu hiện đại về quá trình ý thức hay vô thức (Ví dụ, Bowers và Meichenbaum, 1984; Kihlstrom, 1987). Những người theo quan điểm social role-playing cũng đã có những cách diễn giải thay thế cho những quan sát của Hilgard (Ví dụ, Spanos, 1986), và những cuộc tranh luận về bản chất của thôi miên vẫn còn kéo dài cho tới ngày nay.”
*** Chú thích: Những người theo quan điểm social role-playing với hiện tượng thôi miên cho rằng chủ thể sẽ không rơi vào trạng thái ý thức biến đổi, nhưng sẽ hành động theo vai trò là một người đang bị thôi miên. Đối đầu là quan điểm altered-state, cho rằng một khi chủ thể đã bị thôi miên, trạng thái ý thức biến đổi sẽ diễn ra.

Bài viết được dịch, tổng hợp và tham khảo từ các nguồn:
- APA, Ernest R. Hilgard, 2011. https://www.apa.org/about/governance/president/bio-ernest-hilgard
- Gordon H. Bower (2010) Ernest Ropiequet Hilgard 1904-2001, Biographical Memoir
Về House of Hypnosis
House of Hypnosis Vietnam là dự án chia sẻ kiến thức khoa học về Thôi miên Trị liệu (Hypnotherapy) và Sức khoẻ Tâm thần cho người Việt.