,

Sức Mạnh Của Ngôn Từ, Hiệu Ứng Giả Dược Và Thực Hành Thôi Miên

gia-duoc-va-thoi-mien

Những thông tin chúng ta tiếp nhận từ bên ngoài có thể bị “nhiễm độc” bởi những niềm tin đến từ thế giới vật chất.

Các ý chính:

  • Thôi miên là một ví dụ cho ta thấy cách sử dụng từ ngữ có thể tác động tới tâm trí và cách tâm trí (từ đó) tác động tới cơ thể.
  • Phản ứng với giả dược (placebo) là một chức năng của các biểu tượng, nghi thức, và hành vi thuộc về bối cảnh tiếp xúc lâm sàng (clinical encounter).
  • Trẻ mới đẻ có thể bị “nhiễm độc” trong nhiều thế kỷ bởi những lời nhận xét vô duyên như: “Đầu nó bị làm sao vậy.”, “Đứa bé này trông thật ốm yếu.”

Tinh Thần > Vật Chất (Mind Over Matter)

Những lời nói chứa đựng cảm xúc mạnh mẽ có tác động ra sao tới chúng ta? Trong khi có rất nhiều bằng chứng tâm lý khẳng định sức mạnh của ngôn từ, có rất ít nghiên cứu sinh học về chủ đề này. Một ví dụ về cách tiếp cận trưuocs đây là nghiên cứu của David Chamberlain, một nhà tâm lý đến từ San Diego (Hoa Kỳ), và là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực tâm lý học trước và sau sinh nở (pre- and perinatal pscyhoglogy). Theo Chamberlain, những ký ức liên quan tới việc sinh nở ở người phụ nữ đã nảy sinh trong quá trình trị liệu theo liệu pháp tập trung vào người bệnh (insight-oriented psychotherapy) cho ta hình dung được cách những đứa trẻ có thể bị “tiêm nhiễm” trong hàng thế kỷ bởi những lời nhận xét như “Đầu con bé này bị làm sao vậy?”, hay là “Chậc chậc, đứa bé này trông hơi ốm yếu”.

Khoa Học Về Thôi Miên

Một ví dụ khác về cách ngôn từ có thể tác động tới tâm trí và ngược lại – cách tâm trí có thể tác động tới cơ thể – đó là thôi miên. Thôi miên được mô tả như một trạng thái ý thức biến đổi (altered state of consciousness), tương tự như việc thư giãn, thiền, hay ngủ. Từ trước đến nay, các nhà tâm lý và nhà khoa học thần kinh luôn giữ thái độ nghi ngờ với thôi miên và không tin tưởng vào các báo cáo có phần chủ quan của người tham gia về những thay đổi rõ rệt trong nhận thức (perception) khi làm theo các lời ám thị (suggesstions) cụ thể. Tuy nhiên, sự ra đời của khoa học nhận thức và việc áp dụng các kỹ thuật neuroimaging vào thực hành thôi miên đã giúp xác nhận những phản hồi của người tham gia về thôi miên. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi năm 1958, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã đề xuất đưa thôi miên vào chương trình giảng dạy của các trường y, và đến năm 1960, Hiệp hội các Nhà Tâm lý học tại Hoa Kỳ đã chính thức công nhận công dụng chữa bệnh của thôi miên với các nhà tâm lý.

Những người đang mắc các chứng đau mãn tính, hội chứng ruột kích thích (IBS), và Hội chứng căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) nhận được lợi ích khi thực hành liệu pháp thôi miên. Các nhà trị liệu tâm lý đã áp dụng thành công kỹ thuật thôi miên trong việc lùi tuổi (age regression) và việc khám phá các tổn thương trong quá khứ. Điều mà thôi miên đã dạy chúng ta, đó là việc những từ ngữ mà một người tiếp cận từ một người được cho là có “sức mạnh tiềm tàng” có thể làm thay đổi cách chuyển động của cơ thể (“cánh tay của bạn trở nên nhẹ như lông hồng, hãy để chúng hướng lên trên trần nhà”) hoặc có tác dụng giảm đau (analgesia) trong các thủ tục y tế gây đau đớn.

Khoa Học Về Giả Dược Và Thôi Miên

Giả dược và thôi miên có rất nhiều điểm tương đồng. Vậy giả dược là gì? Giả dược là một phương pháp điều trị không có tác dụng (inactive treatment), đôi khi được gọi là những “viên đường” (sugar pill). Trên thực tế, giả dược có thể là thuốc viên (pill), viên nén (tablet), thuốc tiêm (injection), thiết bị y tế (medical device) hoặc lời ám thị/gợi ý (suggestion),… Dù ở hình thức nào, giả dược có những đặc điểm giống như các phương pháp điều trị y tế đang được nghiên cứu khác, ngoại trừ việc chúng không chứa hoạt chất (active medication). Sử dụng giả dược trong các thử nghiệm lâm sàng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn liệu một phương pháp điều trị y tế mới có an toàn và hiệu quả hơn so với việc không điều trị hay không.

Giả dược đem tới hiệu ứng giả dược (placebo effect). Hiệu ứng này mô tả bất kỳ tác động tâm lý hoặc thể chất nào mà việc điều trị bằng giả dược mang lại cho một cá nhân. Giả dược đã được chứng minh là có khả năng tạo ra những thay đổi sinh lý có thể đo lường được, chẳng hạn như tăng nhịp tim hoặc tăng huyết áp. Giả dược có thể làm giảm các triệu chứng của nhiều bệnh lý hoặc tâm bệnh, bao gồm bệnh Parkinson, trầm cảm, rối loạn lo âu, IBS và đau mãn tính. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho thấy các biện pháp can thiệp như châm cứu “giả” cũng có hiệu quả như châm cứu. Châm cứu giả (sham acupuncture) sử dụng kim có thể thu vào để không đâm trực tiếp vào da.

Các can thiệp giả dược có cường độ khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ, một mũi tiêm gây ra hiệu ứng giả dược mạnh hơn một viên thuốc. Hai viên thuốc có tác dụng tốt hơn một viên, viên nang mạnh hơn viên thuốc và viên thuốc lớn hơn tạo ra phản ứng mạnh hơn. Một đánh giá của nhiều nghiên cứu cho thấy ngay cả màu sắc của viên thuốc cũng tạo ra sự khác biệt trong kết quả của giả dược.

Lợi ích sức khỏe tích cực mà bệnh nhân trải nghiệm khi phản ứng với giả dược là chức năng của các biểu tượng, nghi thức và hành vi gắn liền với trải nghiệm lâm sàng của họ. Một phần sức mạnh của giả dược nằm ở sự kỳ vọng của người dùng. Những kỳ vọng này có thể liên quan đến phương pháp điều trị, chất (substance) hoặc bác sĩ kê đơn. Nếu những kỳ vọng này là tích cực, bệnh nhân sẽ có phản ứng tích cực với giả dược và ngược lại.

Hiệu ứng giả dược và thôi miên có điểm tương đồng tại đây. Đối tượng càng mong đợi việc thôi miên có tác dụng thì họ sẽ có khả năng ở trong trạng thái thôi miên sâu hơn. Một người mong đợi một kết quả nhất định như giảm đau, thông qua hoạt động tâm thần của mình, sẽ khởi động một loạt các phản ứng sinh lý (nội tiết tố, miễn dịch) sẽ gây ra những tác dụng tương tự như những gì một loại thuốc có thể đạt được.

Quá trình kỳ vọng này kéo dài và có thể tác động thẳng vào não bộ của chúng ta. Đến nay người ta đã xác định rõ ràng rằng con người phụ thuộc vào các giác quan của chúng ta để nhận thức về thế giới, bản thân và những người khác. Mặc dù các giác quan là cửa sổ giúp chúng ta nhìn ra thế giới bên ngoài, nhưng mọi người hiếm khi đặt câu hỏi về việc chúng giúp ta tái hiện lại thực tế vật chất bên ngoài trung thực đến đâu. Trong suốt 20 năm qua, các nghiên cứu khoa học thần kinh đã tiết lộ rằng vỏ não liên tục tạo ra những dự đoán về những gì sẽ xảy ra tiếp theo và có các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm xử lý cảm giác để mã hoá (encode) sự khác biệt giữa những dự đoán trong đầu và thực tế.

Một nhóm các nhà khoa học thần kinh từ TU Dresden do Katharina von Kriegstein đứng đầu đã trình bày những phát hiện cho thấy không chỉ vỏ não mà toàn bộ đường dẫn truyền thính giác có thể thể hiện âm thanh theo những gì mà ta mong đợi. Nhóm Dresden đã tìm ra bằng chứng cho thấy quá trình này cũng chi phối các phần được bảo tồn nguyên thủy và tiến hóa nhất của não. Tất cả những gì chúng ta cảm nhận được có thể bị tác động sâu sắc bởi niềm tin chủ quan của chúng ta về thế giới vật chất.

Hiệu ứng giả dược và thôi miên có những điểm tương đồng đáng chú ý, cho ta thấy sức mạnh của tâm trí đối với thế giới vật chất.

Tham khảo:

  1. Chamberlain, David (1988). Babies Remember Birth. Los Angeles, CA: Jeremy P Tarcher.
  2. Holdevici, I. (2014). A brief introduction to the history and clinical use of hypnosis. Romanian Journal of Cognitive Behavioral Therapy and Hypnosis, 1(1), 1-5.
  3. Tabas, A., Mihai, G., Kiebel, S., Trampel, R., & von Kriegstein, K. (2020). Abstract rules drive adaptation in the subcortical sensory pathway. Elife, 9, e64501.
  4. Jensen, M. P., Jamieson, G. A., Santarcangelo, E. L., … & Terhune, D. B. et al., (2017). New directions in hypnosis research: strategies for advancing the cognitive and clinical neuroscience of hypnosis. Neuroscience of consciousness, 2017(1), nix004.
  5. De Craen, A. J., Roos, P. J., De Vries, A. L., & Kleijnen, J. (1996). Effect of colour of drugs: systematic review of perceived effect of drugs and of their effectiveness. Bmj, 313(7072), 1624-1626.

Bài viết được dịch từ nguồn: Thomas R. Verny M.D., The Power of Words and the Current Use of Hypnosis and Placebos. PsychologyToday

Về House of Hypnosis

House of Hypnosis Vietnam là dự án chia sẻ kiến thức khoa học về Thôi miên Trị liệu (Hypnotherapy) và Sức khoẻ Tâm thần cho người Việt.